Y bác sĩ góp tiền ăn hằng ngày cho bệnh nhân nghèo
Từ các nguồn hoạt động có thu và đóng góp tiền lương của cán bộ, nhân viên, y bác sĩ, Trung tâm Y tế H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã chi tiền ăn hằng ngày cho bệnh nhân nghèo đến điều trị tại đây.
Bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, đến đây khám chữa bệnh, nhiều bệnh nhân nghèo không bám trụ được để điều trị hết bệnh. "Đây là điều xót xa, nên anh em trong đơn vị đã làm cái việc nghĩa tình nho nhỏ cho người nghèo", bác sĩ Viễn nói.
Bệnh nhân bất ngờ khi được nhận tiền
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Y tế H.Bình Sơn (Quảng Ngãi). Giờ này, ở Khoa Khám bệnh vẫn còn đông người, nhưng các phòng điều trị, bệnh nhân đã đi mua cơm về dùng bữa trưa.
Y bác sĩ góp tiền ăn hằng ngày cho bệnh nhân nghèo
Nhân viên Trung tâm Y tế Bình Sơn (Quảng Ngãi) cấp tiền ăn cho bà Nguyễn Thị Đào (70 tuổi) bệnh nhân nghèo điều trị nội trú tại đây
Ở Khoa Đông y của Trung tâm Y tế H.Bình Sơn, chúng tôi thấy có vài chiếc bàn gỗ sạch sẽ kê sẵn và có chừng 10 bệnh nhân đang ăn cơm. Hỏi ra, các bệnh nhân này bảo, tiền mua cơm là của "bệnh viện cho".
Bà Nguyễn Thị Đào (70 tuổi, ở thôn An Quang, xã Bình Thanh, H.Bình Sơn) bảo, con cái đi làm ăn xa, bà sống một mình. Hằng ngày bà đi lượm ve chai, bán lấy tiền sống qua ngày. Những khi ốm đau, bà con hàng xóm cho cái gì ăn cái đó.
Vừa rồi, bị bệnh nặng quá nên bà nhờ hàng xóm chở đến Trung tâm Y tế H.Bình Sơn điều trị nội trú. Chiều hôm ấy, bà Đào tính lấy số tiền ít ỏi đi mua cơm ăn nhưng khoảng 16 giờ, thì cô điều dưỡng đến gọi lên Phòng kế toán của Trung tâm Y tế H.Bình Sơn.
Tại đây, khi nhân viên đọc tên rồi trao 55.000 đồng, bà Đào ngạc nhiên không dám nhận. Sau khi được giải thích, bà Đào mới nhận tiền, mừng rơi nước mắt. "Được điều trị, chăm sóc chu đáo, còn được nhận tiền", bà Đào xúc động.
Qua 6 ngày ở bệnh viện, bà Đào tiết kiệm được 150.000 đồng tiền ăn. Bà Đào nói: "Xưa giờ nằm viện nhiều chỗ, đây là lần đầu được bệnh viện cho tiền".
Y bác sĩ góp tiền ăn hằng ngày cho bệnh nhân nghèo
Bệnh nhân nghèo được cấp tiền ăn hằng ngày ở Trung tâm Y tế H.Bình Sơn
Bà Đỗ Thị Hộ (79 tuổi) là hộ nghèo, độc thân, không người nương tựa, sống ở thôn Đông Yên, xã Bình Dương, H.Bình Sơn đến điều trị ở Trung tâm Y tế H.Bình Sơn đã nửa tháng qua. Ngày nào bà cũng được nhận tiền của trung tâm. Cùng với cơm từ thiện do các chùa, tổ chức, cá nhân hỗ trợ bệnh nhân nghèo, bà Hộ đã tiết kiệm được kha khá tiền.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Hộ xúc động nói không nên lời. Bởi từ xưa nay, chưa bao giờ đi điều trị ở bệnh viện mà bà được điều trị miễn phí, lại còn nhận được tiền ăn từ bệnh viện.
300 triệu đồng/năm
Bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Bình Sơn cho biết, việc hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân nghèo điều trị nội trú ở đây được thực hiện đã 1,5 tháng. "Nhiều bệnh nhân nghèo đến đây điều trị, không có tiền ăn. Các y, bác sĩ mỗi lần họp báo lại, nghe xót xa lắm", bác sĩ Viễn nói.
Y bác sĩ góp tiền ăn hằng ngày cho bệnh nhân nghèo
Bác sĩ Võ Hùng Viễn (bìa trái) trao đổi công việc với các y, bác sĩ của Trung tâm Y tế H.Bình Sơn
Đã thiếu ăn thì điều trị bệnh cũng chậm bớt. Bệnh nhân còn xin xuất viện sớm nữa… Đó là những băn khoăn của người đứng đầu Trung tâm Y tế H.Bình Sơn và đội ngũ y bác sĩ nơi này. Bác sĩ Viễn bảo, muốn hỗ trợ tiền cho bệnh nhân nghèo thì phải có nguồn lực.
Vậy là qua rà soát, bác sĩ Viễn họp cả cơ quan và đề nghị hỗ trợ tiền cho bệnh nhân nghèo điều trị nội trú. Thấy việc nghĩa, việc tình, y, bác sĩ đã đồng tình ủng hộ. Vì vậy nguồn hỗ trợ này từ việc hoạt động phục vụ có lãi, đóng góp ngày lương của các y, bác sĩ và từ nguồn hợp pháp khác.
Y bác sĩ góp tiền ăn hằng ngày cho bệnh nhân nghèo
Bệnh nhân nghèo mua cơm từ tiền của Trung tâm Y tế H.Bình Sơn, về ăn tại bàn ghế được kê dọn sẵn
"Theo tính toán, mỗi năm, đơn vị phải bỏ ra khoảng 300 triệu đồng hỗ trợ bệnh nhân nghèo điều trị nội trú. Đây xem như 'lộ trình' phát triển của bệnh viện, nhưng cũng là việc nghĩa tình của người thầy thuốc", bác sĩ Viễn chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Viễn, không chỉ bệnh nhân trong địa bàn H.Bình Sơn, mà ở các huyện khác của tỉnh Quảng Ngãi, thậm chí ngoài tỉnh mà đến nơi này điều trị, bệnh nhân nghèo cũng được hỗ trợ tiền như nhau. Ngoài ra, nếu bệnh nhân lai vãng có điều kiện đặc biệt, dù không có sổ hộ nghèo, bệnh viện cũng sẵn sàng điều trị miễn phí.
"Chúng tôi làm những việc này, không gì ngoài những nghĩa tình với người nghèo, góp phần cho cuộc sống quê hương tốt đẹp hơn, ấm áp hơn", bác sĩ Viễn chia sẻ.